Công điện số 1699/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Dịch
bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại
trong mùa đông tại nhiều quốc gia với số trường hợp mắc liên tục gia tăng. Ở
trong nước, sau 88 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng,
đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly tại
thành phố Hồ Chí Minh. Đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng,
không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Để duy trì vững chắc
thành quả phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Tiếp tục thực hiện
nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập
dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước; tăng cường cảnh giác với nguy cơ
dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bình tĩnh ứng phó với mọi tình
huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng,
chống dịch đã đề ra.
2. Các tỉnh,
thành phố, trước hết là các thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện
yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, trước hết
là việc đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại các khu vực cách ly, các khu dân
cư tập trung, nơi công cộng như: chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến
xe, bến cảng, sân bay, ga tàu..., trên các phương tiện giao thông công cộng,
đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở lưu trú, trường học, khám
chữa bệnh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn phòng,
chống dịch, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, quyết
liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, nhất là các
biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn và tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra
lây nhiễm dịch bệnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm người
đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy
định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
3. Đối với
trường hợp lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Ủy ban nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy
vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao
nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3.
b) Việc để xảy
ra lây nhiễm là vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch. Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ
chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế, Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát xử lý vụ việc vi
phạm này.
4. Các Bộ: Quốc
phòng, Công an tiếp tục tăng cường quản lý biên giới, quản lý chặt chẽ hoạt
động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép.
5. Tiếp tục các
chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và
thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước
ngoài phục vụ việc thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế; các chuyến bay đến
Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy
định.
Bộ Ngoại giao làm đầu
mối xem xét, giải quyết việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước; chủ trì, phối
hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có phương án đưa người Việt
Nam về nước phù hợp với khả năng tiếp nhận, quản lý trong nước và yêu cầu
phòng, chống dịch; chỉ đạo cơ quan đại diện ở nước ngoài xem xét, chỉ cho phép
các trường hợp thật sự cần thiết về nước (kể cả về nước trong dịp Tết Nguyên
đán) và gửi danh sách người được về nước cho Bộ Công an, Giao thông vận tải để
thực hiện các việc liên quan đến hoạt động nhập cảnh và tổ chức chuyến bay.
Các Bộ, cơ quan liên
quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực
hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3298/VPCP-QHQT ngày
28/11/2020 về hỗ trợ công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại nước ngoài; giải quyết
nhanh các thủ tục tại các sân bay để kịp thời đưa công dân ta đến các cơ sở
cách ly theo kế hoạch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng chuẩn
bị sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung.
Bộ Giao thông vận tải
chỉ đạo: (1) thực hiện việc bán vé cho người nhập cảnh bảo đảm công khai, minh
bạch, đúng đối tượng, tránh lợi dụng nâng giá, trục lợi, xử lý nghiêm các vi
phạm; (2) hạn chế các chuyến bay chở người nhập cảnh cách ly tại Hà Nội; (3)
thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên bảo đảm đúng các yêu
cầu phòng, chống dịch.
6. Mọi trường hợp
nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý
và cơ sở cách ly dân sự đủ điều kiện do các địa phương quản lý, yêu cầu đúng
quy trình, quy định, thời gian cách ly. Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở
cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
7. Tiếp tục dừng các
hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ
chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu
trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
Các cấp, các ngành,
địa phương khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước
ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.
8. Trường hợp xảy ra
lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các
khu vực có nguy cơ cao và được khoanh vùng hợp lý, không áp dụng giãn cách xã
hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động
sản xuất kinh doanh.
9. Tiếp tục bảo đảm
năng lực cho hệ thống y tế cả về tinh thần đề cao cảnh giác và luôn sẵn sàng đi
đầu, ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, nâng cao năng lực khám, điều trị, khả
năng truy vết, xét nghiệm nhanh, trước mắt là nhằm bảo đảm an toàn cho các sự
kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc.
Bộ Y tế chỉ đạo toàn
ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
dịch bệnh.
Bộ Y tế sớm có phương
án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vắc xin của nước ngoài, nghiên
cứu sản xuất vắc xin trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết
định.
10. Các Bộ: Thông tin
và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông
tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các
cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về phòng, chống dịch, trong đó nhằm phổ
cập tinh thần không chủ quan đối với dịch bệnh trong mọi tổ chức, cá nhân ở
Việt Nam; hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác; ngăn chặn các thông tin tiêu
cực, bịa đặt gây tâm lý hoang mang trong nhân dân./.
Files đính kèm
Tin tức khác:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
- Tuyên truyền Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Kế hoạch Triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục năm học 2024 - 2025
- Phổ biến, quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8
- Thực hiện Cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo