Đại học Duy Tân đăng cai và tổ chức thành công vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin quốc tế 2019
Ngày 17/8/2019 tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin quốc tế 2019 (ISIT DTU CTF 2019 – FINALS), tham dự có 5 đội đến từ các quốc gia: Ấn Độ (2 đội), Đức, Hàn Quốc, Ucraina (mỗi quốc gia có 1 đại diện); 1 đội đa quốc gia (Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam) và 6 đội đến từ các đại học Việt Nam.
Cuộc thi là sân chơi dành cho sinh viên chuyên ngành an toàn thông tin cả nước nói riêng và những ai yêu thích nghiên cứu, muốn trải nghiệm ở lĩnh vực tấn công và phòng thủ trên không gian mạng nói chung.
Các đội chơi quốc tế đều đến từ quốc gia có năng lực cao trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Họ có mặt tại ISIT DTU CTF 2019 – FINALS với tư cách “nằm trong danh sách Top 20 những đội chơi an toàn thông tin “có đẳng cấp” (theo bảng xếp hạng CTF Time), tại nhiều cuộc so tài an toàn thông tin – an ninh mạng thế giới.
Cả 12 đội tuyển bước vào vòng chung khảo ngày 17/8 tại Đà Nẵng đều là những đội đã xuất sắc vượt qua vòng loại của cuộc thi kéo dài trong 24h, có gần 300 đội đến từ nhiều quốc gia khác nhau tham dự (diễn ra trong 2 ngày 29-30/6 vừa qua).
Ở vòng chung kết cuộc thi kéo dài từ 8giờ30 đến 18giờ30 chiều tối ngày 17/8. Các đội đã phải vận dụng tối ưu kiến thức, kinh nghiệm về tấn công và phòng thủ trên không gian mạng. Nhất là kiến thức tấn công vào các lỗ hổng của hệ thống thông tin. Bởi đề thi ISIT DTU CTF 2019 – FINALS giả định các lỗ hổng mạng, các cuộc tấn công mạng vừa xảy ra gần đây.
“Đề thi chúng tôi đưa ra yêu cầu tập trung là thử tài phát hiện lỗ hổng của một hệ thống mạng, và thử tài hãy thực hiện cuộc tấn công ngay vào các lỗ hổng mạng đó” – Thạc sỹ Nguyễn Kim Tuấn, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mạng, Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Duy Tân) cho biết.
Được biết đề thi (tình huống giả định về một cuộc tấn công mạng) của ISIT DTU CTF 2019 – FINALS do một nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Duy Tân đảm nhận.
Trong suốt quá trình thi, đơn vị đăng cai tổ chức phải theo dõi khả năng phát hiện và thực hiện tấn công vào các lỗ hổng mạng của 12 đội.Kết quả từng phần với số điểm cho mỗi yêu cầu phòng vệ/tấn công được công khai để các đội dự thi đều biết. Thông qua đó, đưa đến kết quả cuối cùng. Đây chính là thử thách lớn cho đơn vị đảm nhận vai trò đăng cai.
Kết quả chung cuộc, một đại diện của Việt Nam là Ayer Beer đã xuất sắc giành đã xuất sắc giành vị trí đầu bảng. Phần thưởng dành cho ngôi vị cao nhất của ISIT DTU CTF 2019 – FINALS là 2.000USD. Xếp thứ nhì là các chàng trai đến từ Ấn Độ, đội Bi0s. Và hạng ba là một đại diện của CHLB Đức, đội Flux Fingers. Giải thưởng hiện kim dành cho hai ngôi vị vừa nêu là 1.000 USD 500 USD.
“Điều trước hết, đây là sân chơi, là cuộc thi nhằm mở rộng giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong cộng đồng những những người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tôi cho rằng mỗi đội tuyển, mỗi cá nhân sau khi chia tay cuộc thi, trở về, đều là người chiến thắng.
Bởi qua cuộc thi mỗi người đều học được, thu hoạch được nhiều điều rất bổ ích. Kinh nghiệm cho thấy, những ai làm công việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, có cơ hội cọ xát ở những cuộc thi như thế này, về sau, đều rất thành công. Tôi được biết, có những bạn trẻ sau này đã nắm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý của các tập đoàn, công ty lớn. Bởi qua những cuộc thi như thế này, nhận thức của mỗi thí sinh về trách nhiệm và đạo đức của người giữ vai trò bảo đảm an toàn thông tin nói chung, an ninh mạng nói riêng, được nâng lên rất nhiều.
Một nội dung quan trọng nữa, đó là chúng ta đang cần đến một đội ngũ chất lượng cao những người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Vậy thì cuộc thi sẽ mang đến cho Ban tổ chức, cho nhà trường giữ vai trò đăng cai những kinh nghiệm quý, bổ sung cho nội dung và phương pháp đào tạo an toàn, an ninh thông tin” – Thay mặt lãnh đạo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT – Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Vũ Quốc Khánh chia sẻ.
Với Đại học Duy Tân, đây là lần thứ hai, Trường được tin cậy trao gửi công tác tổ chức một cuộc thi mang tầm quốc tế, có tính chuyên môn cao, môi trường thi đấu nhiều thách thức, áp lực và cũng rất nhạy cảm.
Tuy nhiên với kinh nghiệm qua những lần tổ chức cuộc thi (cấp quốc gia) “Sinh viên với An toàn an ninh thông tin” hay cấp quốc tế (ISIT DTU CTF 2018 – FINALS), khả năng về hạ tầng kỹ thuật, năng lực về đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông nói chung, an toàn an ninh thông tin nói riêng, cùng các điều kiện khác liên quan đến công tác tổ chức…Trường đã được chọn.
“Nhà trường đã có những nỗ lực rất lớn để đảm nhận vai trò tổ chức. Chúng tôi ý thức được đây là sân chơi trí tuệ mang lại nhiều điều bổ ích bởi yêu cầu của bài thi rất sát với những yêu cầu từ thực tiễn.
Chúng tôi quan niệm rằng, tổ chức thành công cuộc thi cũng chính là thể hiện trách nhiệm của Đại học Duy Tân với cộng đồng an toàn thông tin/an ninh không gian mạng trên cả nước.
Đặc biệt, với Đà Nẵng nói riêng, khi mục tiêu xây dựng thành phố thông minh đang nhận được sự quan tâm từ nhiều hướng, nhiều phía, trách nhiệm của nhà trường không gì hơn là bảo đảm nguồn nhân lực, tham gia xây dựng thành phố thông minh. An toàn và an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng thành công một đô thị thông minh” – Thạc sỹ Nguyễn Kim Tuấn chia sẻ thêm.
Tin tức khác:
- Nhà nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân nhận định nguyên nhân sạt lở sông Thu Bồn
- Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
- SV Duy Tân giành giải khuyến khích Giải thưởng Đồ án SV tốt nghiệp xuất sắc 2019
- ĐH Duy Tân đoạt giải Ba cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2019
- Trường ĐH Duy Tân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất