Truyền Lửa cho thế hệ trẻ
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
ĐÚNG dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Đà Nẵng vừa qua, trường Đại học dân lập Duy Tân cho ra mắt những tác phẩm đầu tiên trong tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi” do trường hợp tác với NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh thực hiện, viết về phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta trong các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đó là các tác phẩm: “Năm tháng dâng người” (Lê Công Cơ), “Dưới ánh hỏa châu” (Hoàng Phủ Ngọc Phan), “Không có gì trôi đi mất” (Hồ Duy Lệ), “Trên đỉnh thanh xuân” - Vũ Hoài (cuốn “Thử thách và chọn lựa” của Nguyễn Hữu Thái sẽ ấn hành vào cuối tháng này). Ngay sau khi phát hành, những tác phẩm này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả cả nước, trong đó có đông đảo độc giả học sinh - sinh viên (HS-SV).
Sau gần 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đến nay vẫn chưa thấy nhiều tác phẩm viết về phong trào đấu tranh công khai ở các đô thị miền Nam chống Mỹ ngụy. Đặc biệt, vẫn chưa có những công trình, đánh giá, nghiên cứu, tổng kết phong trào tranh đấu của tuổi trẻ, HS-SV, trí thức miền Trung trên khắp các đô thị từ Huế, Đà Nẵng đến Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt và cả Sài Gòn, nhất là trong giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Mặc dầu vậy, có một sự thật mà hàng triệu người Việt Nam đã tin, như tác giả Lê Công Cơ khẳng định: “Sự thật về một đất nước chỉ muốn sống trong hòa bình, hạnh phúc và hữu hảo với tất cả các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới, nhưng lại luôn luôn phải chiến đấu vì độc lập, tự do, sự toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá con người. Trong những cuộc chiến đấu ấy, các thế hệ trẻ Việt Nam đã hiến dâng những gì đẹp đẽ, quý báu nhất của tuổi thanh xuân, đặt lên BÀN THỜ TỔ QUỐC! Trong đó, có phần đóng góp của tuổi trẻ, HS-SV, trí thức miền Trung” (trích hồi ký “Năm tháng dâng người”).
Lê Công Cơ, tác giả cuốn “Năm tháng dâng người” ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: X.L |
Cũng trong cuốn hồi ký dày ngót 500 trang này, Lê Công Cơ không chỉ muốn nói về cái tôi (một trong số ít cán bộ cách mạng bí mật gầy dựng nhiều cơ sở quan trọng tại Đà Nẵng, Huế) mà quan trọng là tái hiện hình ảnh phong trào tranh đấu rực lửa của tuổi trẻ, HS-SV, trí thức và văn nghệ sĩ ở các đô thị miền Trung trong thời kỳ chống Mỹ. Đây là tác phẩm đã được NXB Phụ Nữ ấn hành lần đầu vào năm 2006, lần này được NXB Trẻ tái bản có chỉnh sửa, bổ sung của tác giả và cũng là tác phẩm xứng đáng “mở hàng” cho tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi”.
Điều thú vị, các tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan (hoài ký “Dưới ánh hỏa châu”) và Hồ Duy Lệ (bút ký “Không có gì trôi đi mất”) cũng nguyên là sinh viên tranh đấu ở Huế thoát ly kháng chiến. Người trong cuộc nên những tác phẩm của họ - dù gọi hồi ký, hoài ký hay bút ký - cũng đều là những “trang sử ký” chân thật, không phô trương, biết giấu “cái tôi” nhỏ bé của mình để đem đến cho độc giả, nhất là HS-SV hôm nay những cảm hứng mới lạ về quá khứ oanh liệt một thời của cha ông. “Những trang sử ký chân thật giúp kéo những gì chìm lấp dưới lớp tro bụi thời gian và bệnh lãng quên thành ánh sáng trong cuộc sống hiện đại” chính là tâm nguyện của NXB Trẻ và Đại học Duy Tân khi xây dựng tủ sách này.
Tin tức khác:
- Nhà nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân nhận định nguyên nhân sạt lở sông Thu Bồn
- Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
- SV Duy Tân giành giải khuyến khích Giải thưởng Đồ án SV tốt nghiệp xuất sắc 2019
- ĐH Duy Tân đoạt giải Ba cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2019
- Trường ĐH Duy Tân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất