Người trẻ làm phim lịch sử
Cuối tháng 4-2019, Xưởng phim Én bạc (Silver Swallows Studio) của Trường Đại học Duy Tân cho ra mắt dự án phim đầu tiên về đề tài lịch sử Những cánh én đầu tiên (thuộc series phim “Không chiến Việt Nam”) tái hiện những khoảnh khắc giao tranh ác liệt giữa Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam với Không quân Mỹ trong trận chiến Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4-4-1965.
Phim trường đơn giản nhưng ê-kíp thực hiện đã tái hiện được bối cảnh của một trận chiến. TRONG ẢNH: Ê-kíp đang tái hiện một cảnh trong phim. |
Những cánh én đầu tiên chủ yếu xoay quanh sự kiện không lực Hoa Kỳ đánh phá dữ dội miền Bắc trong nỗ lực ngăn chặn chi viện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Không quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu ngay từ cuộc chạm trán đầu tiên tại Hàm Rồng, Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Văn Trường Sơn, Quản lý dự án “Không chiến Việt Nam” cho biết, dự án này được xưởng phim có kế hoạch triển khai từ trước đó nhưng gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được, tới tháng 6-2018 cả ê-kíp mới bắt đầu sản xuất và dựng lại.
Đây không phải là thể loại phim có hệ thống nhân vật, có kịch tính cũng không phải thể loại phim được xây dựng theo bố cục mà phim được làm theo dạng nhân chứng kể chuyện và tái hiện các trận chiến khi xưa.
Để hoàn thành, ê-kíp phải qua rất nhiều công đoạn, như tìm kiếm thông tin, chọn cảnh, phân cảnh, kịch bản, con người... “Cái khó là tìm kiếm diễn viên để hóa trang thành các phi công lái máy bay của không quân Việt Nam hồi trẻ, nhưng do không có quá nhiều kinh phí nên các thành viên trong xưởng phim đã kiêm luôn nhiệm vụ này”, Trường Sơn chia sẻ.
Bảo Long, thành viên đoàn phim nói rằng họ là những “tay ngang” làm phim, lại chẳng có thiết bị tối tân. Khi xem phim, khán giả sẽ thấy cảnh phi công điều khiển máy bay trong buồng lái, phối hợp tác chiến rất hoành tráng, thực ra diễn viên chỉ ngồi trong thùng các-tông. Kỹ năng đánh đèn trong studio không thành thạo, đoàn phim mang cả thùng lẫn người ra giữa sân bóng dưới trời nắng 40 độ để quay cho có ánh sáng chân thực.
“Diễn viên phi công mang trong người 2-3 lớp áo, có cả áo da, dưới cái nóng cháy người, quay xong cảnh phim đó là cả đoàn thay nhau ốm”, Bảo Long nhớ lại.
Trong Những cánh én đầu tiên, Xưởng phim Én bạc tái dựng các bối cảnh thời chiến tranh dưới dạng 3D xen kẽ lời kể của các nhân chứng lịch sử. Cụ thể là tái hiện trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng của Không quân Việt Nam năm 1965 dưới góc nhìn điện ảnh.
Đó là hình ảnh chiến đấu của biên đội Trần Hanh gồm 4 chiếc tiêm kích MiG17 do các phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm cầm lái. Sau trận đánh, chỉ phi công Trần Hanh còn sống, ông cũng chính là người đã bắn rơi máy bay Mỹ và tìm mọi cách bảo toàn chiếc MiG17 của mình bằng cách hạ cánh bằng bụng xuống mặt ruộng.
Xem phim, khán giả sẽ thấy được hình ảnh các phi công trẻ trên những chiếc máy bay MiG17, hay còn gọi là Én bạc, giao tranh với đối thủ vượt trội cả về số lượng máy bay và kỹ thuật, khí tài là F100 và F105 của Mỹ. Biên đội MiG17 đã biến điểm yếu thành lợi thế bằng cách tận dụng khả năng cơ động của MiG17, tốt hơn so với đối thủ khi ở vận tốc thấp…
Trường Sơn bày tỏ, thực sự, cách làm phim này khá mới và khó nhưng ưu điểm là phim có độ tin cậy cao, mang tính xác thực của lịch sử vì được dựng dựa theo lời kể của các nhân chứng. Cũng theo ê-kíp, chọn cách thể hiện pha trộn giữa phim tài liệu với minh họa điện ảnh công nghệ 3D là cách để họ tiếp cận, truyền cảm hứng về thể loại phim lịch sử đến với giới trẻ.
Đây là dự án phim phi lợi nhuận của Trường Đại học Duy Tân. Theo TS. Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, chia sẻ, trong những năm du học tại Mỹ, khi xem phim 3D nói về những trận không chiến của quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, chỉ thấy diễn tả những tình huống Không quân Mỹ bắn rơi máy bay của Không quân Việt Nam.
“Lòng tự tôn dân tộc trong tôi trỗi dậy, tôi nuôi mộng học xong trở về Việt Nam sẽ tìm hiểu, làm phim nói về lực lượng Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam”, TS. Bảo nói.
Vì là phim lịch sử, đòi hỏi tính xác thực cao nên các thành viên của xưởng phim Én bạc mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu. Trong đó, anh Raphall (quốc tịch Pháp - tác giả kịch bản) phải mày mò các tài liệu bằng tiếng nước ngoài để tìm tài liệu nhật ký bay của Không quân Mỹ trong trận chiến Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4-4-1965.
“Trận không chiến này không hề đơn giản như suy nghĩ ban đầu của tôi. Có những lúc nản quá, tôi định tìm trận chiến khác để làm, anh Raphall đã động viên tôi và chúng tôi lại mày mò nghiên cứu từng chi tiết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi mất 5 năm để hoàn thành bộ phim”, TS. Bảo chia sẻ thêm.
Phi công lão thành Hồ Văn Quỳ, thành viên của Biên đội MiG17, Trung đoàn 921 đã bắn rơi 2 chiếc F-8 của Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa vào ngày 3-4-1965: Tôi đã xem rất nhiều bộ phim tư liệu lịch sử về Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, về trận không chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng diễn ra cách đây gần 55 năm do Nhà nước và nhà chuyên môn thực hiện. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem phim nói về lực lượng của mình do những người trẻ tuổi làm, điều đó khiến tôi bất ngờ, xúc động. Với tôi, đây là sản phẩm phim rất giá trị và tôi tin rằng, các bạn trẻ vẫn quan tâm và tự hào về lịch sử Tổ quốc. |
Tin tức khác:
- Nhà nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân nhận định nguyên nhân sạt lở sông Thu Bồn
- Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
- SV Duy Tân giành giải khuyến khích Giải thưởng Đồ án SV tốt nghiệp xuất sắc 2019
- ĐH Duy Tân đoạt giải Ba cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2019
- Trường ĐH Duy Tân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất