Hãy xây ước mơ để niềm tin chịu đựng thử thách được bền vững !
Cuộc thi Xây cầu Ô thước lần I – 2012 – ĐH Duy Tân: Hãy xây ước mơ để niềm tin chịu đựng thử thách được bền vững !
(ictdanang) - Cuộc thi “Xây cầu Ô thước” lần thứ Nhất – 2012 do Đại học Duy Tân khởi xướng và tổ chức đã mở ra một sân chơi trí tuệ mới cho các bạn sinh viên đam mê lĩnh vực về xây dựng và kiến trúc các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cuộc thi đã thành công ngòai sự mong đợi.
Không chỉ khích lệ tinh thần học tập và sáng tạo, cuộc thi đã mở ra thêm các cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nhất là giao lưu giữa thế hệ học sinh năm cuối cấp với các anh, chị sinh viên ; giúp các bạn hiểu dần môi trường học tập, nghiên cứu, giải trí trí tuệ ở bậc học cao hơn.
Tâm huyết của Ban Giám hiệu và một số phòng ban chức năng của Đại học Duy Tân trong tìm kiếm và phát triển những sân chơi mới đã được đền đáp.
Đội Lão Hạc với cây cầu "khủng" nhất của cuộc thi. - ảnh : T.Ngọc |
Chúng tôi cho rằng, do nhiều lý do và nguyên nhân, chúng ta còn thiếu, thiếu nhiều lắm những sân chơi lành mạnh, bổ ích như thế này cho các em học sinh sinh viên. Tại Đại học Duy Tân, mỗi khi mở ra một sân chơi, thấy các em hào hứng nhập cuộc, chúng tôi mới thấy, thì ra lâu nay các em không có một sân chơi phù hợp để thể hiện mình, bộc lộ mình.
Chúng tôi cho rằng, nếu có thêm nhiều sân chơi, chúng ta sẽ có thêm cơ hội phát hiện những bạn trẻ tài năng, tài hoa và thông qua đó hiểu hơn về những nhu cầu hết sức đa dạng nhưng cũng rất bức xúc và chính đáng của tuổi trẻ học đường – Thạc sỹ Đặng Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Đại học Duy Tân, đại diện BTC cuộc thi chân tình trao đổi với ICT Đà Nẵng.
Thêm một dĩa cân. Nín thở (!) cùng Bridge street - lớp K16XDC1. -ảnh: T.Ngọc |
Một sân chơi trí tuệ “cho Anh - cho Em”
Được biết, cuộc thi được phát động từ tháng 2/2012, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng. Qua vòng loại sơ khảo, BTC chọn được 40 đội lọt vào vòng chung kết.
Nét thú vị nhất và cũng là điểm nổi bật nhất trong cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên này là cùng so tài với các đàn anh, còn có các bạn học sinh đến từ các trường THPT.
Đặc biệt 2 đội đến từ trường THPT Phan Châu Trinh và THPT Ông Ích Khiêm đã vào đến vòng chung kết.
Điều này cho thấy sự quan tâm và niềm đam mê sáng tạo học tập trong ngành xây dựng và kiến trúc của các em học sinh THPT rất cao.
Đà Nẵng đã và đang được bạn bè gần xa và du khách biết đến và dành tặng tên gọi “Thành phố của những cây cầu” cho Đà Nẵng. Và như vậy, cuộc thi “Xây cầu Ô thước” do Đại học Duy Tân khởi xướng và tổ chức, chắc chắn sẽ còn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Quy mô của cuộc lần thứ II của năm sau cũng phải mở rộng hơn, phù hợp với sự quan tâm và quyết tâm thi thố của tuổi trẻ học đường, giảng đường Đà Nẵng. |
Rất nhiều mẫu cầu được sáng tạo độc đáo đã có mặt ở vòng chung kết.Thầy Dương Minh Châu , bộ môn Cầu Đường (Khoa Xây dựng - Đại học Duy Tân), giới thiệu với đại biểu và các bạn SV thể thức tranh tài vòng chung kết. - ảnh : T.Ngọc
|
Hồi họp từng giây từng phút
Muốn chiến thắng (tức hoàn tất việc xây dựng và chứng minh cây cầu của mình có sức chịu tải tốt), các đội tham dự lần lượt trải qua 3 phần thi :
- Phần 1 : Thuyết trình về ý tưởng, phương án thiết kế và xây dựng cầu, tính thẩm mỹ hài hòa về hình dáng, sắc nét về chi tiết, tính sáng tạo, độc đáo.
- Phần 2 : Xác định khối lượng, kích thước của cây cầu.
- Phần 3 : Thử tải.
Hội trường chính (cơ sở Quang Trung - Đại học Duy Tân) sáng ngày 8/4/2012 có lúc im phăng phắc , có lúc lại rộn lên tiếng hò reo, tiếng vỗ tay vang dội.
Ở vòng chung kết cuộc thi “Xây cầu Ô thước”, nội dung thi thử tải diễn ra hết sức gay cấn và hấp dẫn. Bởi chỉ với các thanh gỗ dăm (đã được cắt gọt làm sạch theo quy cách) và cũng chỉ được sử dụng băng keo, keo dán và dây chỉ, thành viên các đội phải kết nối, ghép lại làm nên (mô hình) một chiếc cầu.
|
Chờ đợi một kỳ lục được xác lập ! . Bạn bè, thầy cô và các anh chị phóng viên cũng nín thở mà quay phim, chụp ảnh !. -ảnh: T.Ngọc |
Và bây giờ từ khối lượng, kích thước của cây cầu đó, các đội đưa ra lời thách (tải đăng ký) về sức chịu tải của cây cầu.
Ai cũng muốn cây cầu của mình nhẹ nhất, gọn nhất, kiểu dáng lạ nhất nhưng sức chịu tải cao nhất . Cũng có đội thay đổi tư duy đó bằng cách đưa ra một mô hình cầu khủng – do vậy - khả năng chịu tải được đưa ra thách đố cũng rất khủng.
Và sức chịu tải của tất cả các cây cầu với mọi thách độ về khối lượng được đưa ra đều phải bảo đảm rằng trong thời gian đúng 20 giây, cầu không gãy nhịp, không bị sập”.
Cây cầu tụi mình gãy mất rồi. Thôi, không buồn. Lo dọn dẹp. Năm sau cố lên !. - ảnh: T.Ngọc |
Cả hội trường nín thở khi thành viên các đội đưa thêm vào giá treo trọng lượng thử tải các dĩa cân. Mỗi khi trọng lượng nhích lên, nhìn mô hình cây cầu chỉ là những mảnh gỗ được ghép nối với nhau, ai ai cũng thầm lo cây cầu sẽ không chịu nổi nhưng đồng thời cũng mong rằng, tác phẩm của bạn mình có khả năng vượt qua khối lượng đã được đưa ra thách đố. Chẳng ai trông chờ những tiếng răng rắc vang lên.
Ở đây ngoài những nguyên lý kết cấu cơ học còn có cả điều kỳ diệu của niềm tin vào thành quả của nhóm mình, của bạn bè mình.
Kết quả chung cuộc:Giải nhất SV : đội 47-SC lớp K17XCD1 , 289 Giải Nhì dành cho khối PTTH: Đội tuyển LUCKY. - ảnh: T.Ngọc
|
Thêm tải cho cây cầu với tất cả niềm tin chiến thắng !. - ảnh: T.Ngọc Ý tưởng của cuộc thi là câu chuyện cổ tích khá quen thuộc với tất cả chúng ta. Cây cầu Ô Thước bắt qua sông Ngân (trên thiên đình) theo lệnh của Ngọc Hoàng được làm nên để chàng Ngưu Lang (sao Altair) và Chức Nữ (sao Vega) được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Nhưng những người thợ mộc được giao trách nhiệm xây cầu đã mạnh ai nấy làm, chẳng ai nghe ai. Họ làm ít và mất nhiều thời gian cho các cuộc tranh cãi, do vậy, đến kỳ hạn cây cầu vượt sông Ngân này vẫn chưa xong. Quá bực tức, Ngọc Hoàng đã hóa những người thợ thành chim quạ. Và do cầu chưa xong, Ngọc Hoàng bắt bầy quạ này phải dùng thân mình làm cầu (Ô Thước) để Ngưu Lang – Chức Nữ được gặp nhau. Cảm động về sự chia lìa của Ngưu Lang – Chức Nữ, song chứng kiến cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ bước lên cây cầu là đầu bầy quạ, Ngọc Hoàng đã không đành lòng và sau đó đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc. Tuy nhiên lần này Ngọc Hoàng đã ra lệnh cho họ phải làm đúng thời hạn một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau.
|
Trần Ngọc thực hiện
Tin tức khác:
- Nhà nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân nhận định nguyên nhân sạt lở sông Thu Bồn
- Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
- SV Duy Tân giành giải khuyến khích Giải thưởng Đồ án SV tốt nghiệp xuất sắc 2019
- ĐH Duy Tân đoạt giải Ba cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2019
- Trường ĐH Duy Tân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất