Bình Minh Trên Những Đồi Chè
BÌNH MINH TRÊN NHỮNG ĐỒI CHÈ |
||
|
||
|
||
(Cadn.com.vn) - Trước và ngay sau giải phóng, hàng trăm cô gái trẻ hăng hái ngược lên vùng cao H. Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam) phá đá, bạt đồi, góp phần không nhỏ lập nên Nông trường chè Quyết Thắng (nay đổi tên thành Cty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng)... Hơn 30 năm sau, có người về quê, người chuyển sang chạy chợ. Những người đàn bà ở lại bám trụ với những đồi chè, đặt niềm tin và hy vọng vào những đọt chè non và những đứa con mang họ mẹ... Một mình vượt cạn Cứ mải mê với chè và... chè, đến khi nhìn lại, những cô gái thanh niên xung phong ngày ấy giật mình nhận ra họ đã quá lứa lỡ thì. Chấp nhận tự túc kiếm lấy mụn con mà chăm sóc, nương tựa lúc về già, chấp nhận một mình vượt cạn, một thân nuôi con khôn lớn. Chuyện của mỗi người là cả một câu chuyện dài... Họ cam chịu tất cả, song cay đắng nhất vẫn là những tháng năm cắn răng chịu đựng tiếng đời. Miệng đời oan nghiệt vẫn nhằm vào những người phụ nữ này mỗi khi có xích mích. Những đứa trẻ lớn lên trong sự trêu chọc, xa lánh của bạn bè ở trường. Có người chịu không thấu, đã rời những đồi chè mà đi... "Răng mấy bạn khác có ba mà con không có hả mẹ? Câu hỏi ngây ngô của các con như nhát dao cứa vào gan ruột mình vậy!" Chị Phan Thị Thúy, 51 tuổi, tâm sự như lời mở đầu cho những người ở lại. Giữa bạt ngàn chè xanh non lúp xúp, hàng trăm công nhân nữ đang miệt mài hái đọt chè non. Vành nón lá che kín những khuôn mặt đượm buồn. Chị Lê Thị Bảy, dáng gầy nhom, trông lọm khọm so với tuổi 54, trầm ngâm bên ấm nước chè: "Ngó vậy mà đã 35 năm rồi. Từ lúc lên đây cuộc sống thiếu thốn chật vật lắm. Nhưng không hiểu sao mình thấy yêu thương và gắn bó với miền đất này lạ kỳ. Quê hương thứ hai này mình đã có tất cả, những vui buồn, hy vọng và nhiệt huyết tuổi thanh xuân". Chị kể, ở đây, nơi hun hút đêm sâu, bản năng làm mẹ càng trỗi dậy. Ao ước có một đứa con để san sẻ tình thương yêu và nương tựa sau này khiến chị vượt qua những dự báo dị nghị. Đứa con trai ra đời mang họ mẹ, được chị xem như một bảo bối. Những ngày đó đói kém, chỉ ăn sắn, ăn khoai nhưng chị quyết không để con mình đói, thiếu chữ. "Ngày con vào đại học, may thay vay bên Hội Phụ nữ được một con bò rồi nuôi đẻ. Trả hết nợ rồi còn sinh lời được 4 con"- chị Bảy cười mãn nguyện. Còn chị Lữ Thì Hoàng, 52 tuổi chia sẻ tâm sự thầm kín: "Ngay từ khi sinh con ra, ba nó đã không tồn tại. Những lời đàm tiếu của thiên hạ càng khiến tôi nung nấu, dồn hết tình yêu thương cho con trai. Tình yêu thương đó cũng được đáp đền. Bây giờ nó đã là lái xe, lấy vợ và sinh cho tôi một đứa cháu bụ bẫm. Với tôi, cuộc đời như vậy đã quá ý nghĩa rồi, có quá khứ để mình nhìn lại và có tương lai mà mình nghĩ tới".
Cũng vì tiếng gọi của những đồi chè, chị Nguyễn Thị Chạy, Lữ Thị Hiến và bao nhiêu người chị khác cũng quyết định lên núi lập nghiệp và quyết định chấp nhận vượt qua những lời đồn thổi, tai tiếng, mặc cảm và cả kiểm điểm của đơn vị... Cứ thế, những đứa con chào đời trong những túp lều lụp xụp trong tình thương vô bờ bến của những người mẹ. Thôn 2 (xã Ba) có 64 hộ dân thì đã có 11 hộ "không chồng, không cha". Ấy thế nên cái xóm nhỏ yên bình này cũng thi thoảng được gọi là "xóm không chồng". Quanh nông trường chè, có 4 "xóm không chồng" như thế... Bình minh trên những đồi chè Gần 30 năm vượt đắng cay miệng đời, chị Phan Thị Thúy đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang với ngôi nhà 2 tầng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. 3 cô con gái thì một tốt nghiệp cao đẳng y tế đã có việc làm, một đang theo học năm cuối tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), còn cô con út thì mới vừa đậu đại học. "Các con chính là gia tài, là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi". Không chỉ có gia đình chị Thúy, người dân khắp nẻo vẫn truyền nhau câu chuyện vượt khó vươn lên của 3 chị em mang họ mẹ Nguyễn Bích Khuyên, Nguyễn Phương Nhàn, Nguyễn Minh Nhân (thôn 2, xã Ba), 3 tấm gương sáng về học tập và hiếu thảo. Và, trên hết vẫn là ngầm ý khâm phục người mẹ. Cũng như chị Thúy, niềm an ủi lớn nhất của biết bao người phụ nữ ở Nông trường Quyết Thắng xưa là những đứa con. Như bà Túc, ở đội 7, có 3 con gái thì đều được đi học đến nơi đến chốn, trong đó cô con gái lớn đang theo học tại Trường Đại học Quảng Nam. Bà Hiến, con trai duy nhất cũng đang theo học tại Trường Cao đẳng Điện lực. Nhìn lại quãng đời đã qua, bà Túc cũng cảm thấy ngỡ ngàng: "Hồi đó có chi cũng cắn răng mà chịu, chỉ cố gắng vun vén cho mấy đứa nhỏ. Chừ nhớ lại cũng không biết mình đã làm cách nào để vượt qua tất cả"... Hỏi các chị có nhớ quê, chị Lành, một công nhân gắn bó với nông trường chè này trong những ngày đầu thành lập (1971) như nói thay tất cả: "Nhà tôi ở đây, con tôi ở đây, quê hương thứ hai của tôi là đây rồi, tôi còn mong chi nữa!". Những đồi chè, đồi chè trải dài hút mắt. Ngắt một đọt non tình cờ bên đường nhấm nháp, vị chát, rồi vị ngọt làm tôi sực tỉnh: Ngoài kia trời đất đang lập Xuân. Bùi Hữu Cường |
||
http://cadn.com.vn/News/An-Ninh-Doi-Song/Gia-Dinh-Xa-Hoi/2012/2/3/72230.ca |
Tin tức khác:
- Nhà nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân nhận định nguyên nhân sạt lở sông Thu Bồn
- Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
- SV Duy Tân giành giải khuyến khích Giải thưởng Đồ án SV tốt nghiệp xuất sắc 2019
- ĐH Duy Tân đoạt giải Ba cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2019
- Trường ĐH Duy Tân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất