0236.3747678

Đại học Duy Tân

Triển khai thực hiện mục tiêu Chương trình "không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng", ...

 

Kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu Chương trình "không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng", "không có giết người để cướp của, băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê", "an ninh trật tự" trong ngành Giáo dục thành phố giai đoạn 2021-2025      

            I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình "không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng", "không có giết người để cướp của, băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê", "an ninh trật tự" trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 144/KH-UBND-CATP ngày 19/7/2021 của UBND thành phố; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, học viên, sinh viên trong việc thực hiện các mục tiêu Chương trình đặt ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

2. Các đơn vị, trường học xác định rõ nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các mục tiêu chương trình đặt ra; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của bộ phận chuyên môn; động viên, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, kiểm điểm, phê bình, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế.

3. Tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, học viên, sinh viên; thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong nhà trường.

4. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, gia đình, xã hội trong công tác quản lí, giáo dục học sinh, học viên, sinh viên; lồng ghép thực hiện xây dựng đơn vị, trường học điển hình về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu Chương trình "không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng"

a) Mục tiêu

- Mục tiêu chung

+ Làm tốt công tác dự báo tình hình; chủ động tấn công quyết liệt, mạnh mẽ nhằm kiềm chế gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố;

+ Tăng cường công tác quản lí người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng;

+ Phấn đấu 100% người nghiện ma túy được rà soát, cập nhật, quản lí, cai nghiện bằng nhiều hình thức.

- Mục tiêu cụ thể

+ 100% các trường học tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, học viên, sinh viên trong nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy, tác hại của ma túy;

+ 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục trang bị kiến thức, kĩ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho các thành viên và gia đình của học sinh;

+ 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, sinh viên đăng kí cam kết không tham gia các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy và được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

b) Giải pháp

- Các đơn vị, trường học tiếp tục quán triệt và thực hiện Kế hoạch số 5116/KH-UBND ngày 03/8/2020 của UBND thành phố, Kế hoạch số 370/KH-BGDĐT ngày 08/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Kế hoạch số 1619/KH-SGDĐT ngày 25/6/2020 của Sở GDĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong ngành Giáo dục; Kế hoạch số 913/KH-SGDĐT ngày 31/3/2021 của Sở GDĐT thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021; Kế hoạch số 958/KH-SGDĐT ngày 05/4/2021 của Sở GDĐT về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021 trong ngành Giáo dục thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống ma túy; giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng cần thiết để học sinh, học viên, sinh viên nâng cao sức “đề kháng”, tránh sa vào tệ nạn ma túy; kịp thời phát hiện và động viên những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy.

- Vận dụng linh hoạt các hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, nhà trường để tuyên truyền theo các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin: Website của trường, thông tin, thông báo trong giờ chào cờ đầu tuần, thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa; hưởng ứng Tháng hành động cao điểm phòng chống ma túy trong trường học, treo băng rôn, khẩu hiệu hành động và những hoạt động khác về tuyên truyền phòng, chống ma túy; tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát động phong trào quần chúng trong nhà trường cùng tham gia với các tổ chức quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy; tiếp tục phát huy các mô hình “Trường học xanh, trường học không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội”; các phong trào “Nói không với ma túy”, “Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội”.

- Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội vào một số môn học trong chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học.

2. Mục tiêu Chương trình "không có giết người để cướp của, băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê"

a) Mục tiêu

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát, kéo giảm và tiến tới đẩy lùi các loại tội phạm, không để tội phạm lộng hành, hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Nhất là tội phạm giết người để cướp tài sản, tội phạm liên quan đến hành vi bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê.

- Xử lí 100% các tố giác, tin báo, tội phạm; đề xuất, kiến nghị khởi tố liên quan đến các hành vi bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê.

b) Nhiệm vụ

- Tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại các đơn vị, trường học.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm giết người, giết người để cướp tài sản; thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến cho vay lãi nặng, bảo kê, đòi nợ thuê ... để cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

c) Giải pháp

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kế hoạch số 1783/KH-SGDĐT ngày 10/7/2020 của Sở GDĐT về việc triển khai Kế hoạch số 3251/KH-UBND ngày 20/5/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Kế hoạch số 2544/KH-SGDĐT ngày 30/8/2021 của Sở GDĐT triển khai Chương trình “Không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường; học sinh bỏ học, bị đuối nước giai đoạn 2021-2025” trong ngành GDĐT thành phố Đà Nẵng.

- Phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố tổ chức truyền thông về Luật An ninh mạng và định hướng sử dụng internet, mạng xã hội; phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức truyền thông về phòng chống ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Các đơn vị, nhà trường phối hợp với công an quận, huyện tổ chức triển khai chương trình truyền thông, giáo dục nhận thức cho học sinh, học viên, sinh viên tránh xa tệ nạn ma túy; đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê, vận dụng lồng ghép phù hợp vào chương trình giáo dục chính khóa; xây dựng phong trào “Nhà trường không có tội phạm và tệ nạn xã hội”.

- Các đơn vị, trường học bổ sung hoàn thiện nội quy, quy chế bảo vệ an ninh, trật tự trường học, tổ chức cho học sinh, học viên, sinh viên kí cam kết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trường học, cam kết không thử, không sử dụng ma tuý, không có hành vi bạo lực học đường, không vi phạm an toàn giao thông, an toàn cháy, nổ ...; xây dựng hộp thư an ninh tố giác tội phạm; kí kết giao ước thi đua giữa các lớp, khối lớp nhằm phát huy một cách tích cực trong công tác quản lí, giáo dục, xây dựng nền nếp học đường.

- Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của học sinh, học viên, sinh viên, phát hiện kịp thời và xử lí các biểu hiện không bình thường có thể dẫn tới các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật của học sinh, học viên, sinh viên với phương châm lấy “phòng” là chính. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Công an phường, xã và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh trật tự theo Quyết định số 8394/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch phối hợp với các lực lượng trong công tác tuần tra phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tiếp nhận và xử lí các thông tin do học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên và nhân dân phản ánh có liên quan đến tình hình an ninh trật tự của đơn vị, nhà trường; kịp thời phối hợp với lực lượng công an phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê ... liên quan đến học sinh, học viên, sinh viên.

3. Chương trình "thành phố 4 an" trên lĩnh vực an ninh trật tự

a) Mục tiêu

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra tại Đề án thực hiện Chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 theo Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND thành phố.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; không để bị động, bất ngờ, tạo điểm nóng về an ninh, trật tự; tạo môi trường thuận lợi góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII.

b) Giải pháp

- Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện

+ Các đơn vị, trường học, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Kế hoạch số 250/KH-BCA-V05 ngày 15/6/2020 của Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới giai đoạn 2020-2025; Chương trình hành động số 05-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 24/CT-TU ngày 10/8/2009 của Thành ủy Đà Nẵng về việc “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; Kế hoạch số 1367/KH-BGDĐT ngày 11/12/2020 của Bộ GDĐT, Kế hoạch số 120/KH-SGDĐT ngày 13/01/2021 của Sở GDĐT triển khai thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống tội phạm buôn bán người, tội phạm giết người và phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch liên ngành số 03/KHLN-SGDĐT-CATP ngày 10/3/2016 của Sở GDĐT và Công an thành phố triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06/BCA-BGDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục.

- Công tác đảm bảo an ninh chính trị

+ Thường xuyên theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, sinh viên; triển khai các biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng, chính trị, nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, giáo viên và học sinh, học viên, sinh viên; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các âm mưu và hoạt động chống phá, xuyên tạc, lôi kéo, kích động học sinh, học viên, sinh viên tham gia các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh trật tự trường học, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương, Công an quận, huyện và các hội, đoàn thể trao đổi thông tin liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên và học sinh, học viên, sinh viên bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị, trường học; giáo dục tư tưởng, chính trị và quản lí học sinh, học viên,  sinh viên không để các thế lực thù địch, phản động và tội phạm móc nối, lôi kéo tham gia hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và vi phạm về trật tự, an toàn xã hội.

+ Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có tư tưởng chính trị ổn định, lập trường vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; tác phong chuẩn mực, đoàn kết nội bộ, quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương học sinh theo Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỉ luật, kỉ cương, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới; Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức Nhà nước; Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; không ngừng học tập để nâng cao hiệu quả công việc, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

- Công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội

+ Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm xảy ra trong đơn vị, trường học; nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước, thủ đoạn của tội phạm; thông tin về trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến người học và cán bộ, nhà giáo để phối hợp phòng ngừa, xử lí.

+ Tăng cường công tác quản lí, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trường học, kịp thời phát hiện, xử lí hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nhằm phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, đặc biệt là tệ nạn ma túy.

+ Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng nội dung, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của Bộ Công an về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; kịp thời phát hiện nhân rộng, điển hình tiên tiến và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

+ Phối hợp chặt chẽ với gia đình người học, công an địa phương và các cơ quan chức năng để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những vấn đề tiêu cực trong việc sử dụng Internet, trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh vi phạm tàng trữ pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm. Chủ động kiến nghị, phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trái quy định của pháp luật về an ninh, trật tự xung quanh đơn vị, trường học, kí túc xá, bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, trường học.

+ Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy; xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; thực hiện văn hóa giao thông đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, sinh viên và các quy định của pháp luật phòng chống cháy, nổ tại cơ quan, nhà trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị mình. Hằng năm, cụ thể hóa Kế hoạch này vào chương trình công tác năm của đơn vị, nhà trường; tổ chức thực hiện và sơ kết đánh giá nghiêm túc kết quả đạt được.

2. Chế độ báo cáo

Định kì 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, các đơn vị, trường học báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở GDĐT (qua Phòng Chính trị, tư tưởng). Mốc thời gian báo cáo 6 tháng (tính từ ngày 15/11 năm trước đến ngày 14/5 năm báo cáo); mốc thời gian báo cáo năm (tính từ ngày 15/11 năm trước đến ngày 14/11 năm báo cáo).

3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên của các đơn vị, trường học.

4. Phòng Chính trị, tư tưởng

Chủ trì, tham mưu lãnh đạo Sở GDĐT theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện Kê hoạch này. Định kì 6 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch về UBND thành phố.

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai, thực hiện./.