Các trường đại học tư thục đã góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, sự phát triển của giáo dục và đào tạo nước nhà nói riêng.
Quá trình ra đời loại hình trường đại học tư thục ở Việt Nam sau năm 1975
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Từ đường lối đổi mới của Đảng, ý tưởng về sự ra đời của loại hình trường đại học ngoài công lập được hình thành ở một số tổ chức và cá nhân.
Năm 1988, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng thí điểm Trung tâm đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long) tại Hà Nội.
Thực hiện Nghị quyết số 04, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập 05 trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam với tên gọi trường đại học dân lập, gồm 03 trường ở thành phố Hà Nội, 01 trường ở thành phố Đà Nẵng và 01 trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1993, Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó khuyến khích mở các trường lớp dân lập và cho phép mở trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học.
Năm 1996, Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.
Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển các trường bán công, dân lập ở những nơi có điều kiện, từng bước mở các trường tư thục ở một số bậc học như: mầm non, phổ thông trung học (cấp III), trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học”.
Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, giai đoạn 2000 – 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 05 trường đại học dân lập.
Ngày 14/06/2005, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Giáo dục. Tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, loại hình trường đại học bán công và dân lập bị xoá bỏ trên văn bản, chỉ còn một loại hình trường đại học ngoài công lập duy nhất là trường đại học tư thục.
Như vậy, loại hình trường đại học ngoài công lập Việt Nam sau năm 1975 chính thức được xác lập vào năm 1994 và loại hình trường đại học tư thục vào năm 2005 [1].
|
Trường Đại học Thăng Long (Ảnh: website nhà trường) |
Những kết quả chủ yếu
Về quy mô
Năm 1987, cả nước có 63 trường đại học nhưng không có trường đại học ngoài công lập nào, năm 1994 có 05 trường và đến cuối năm 2016 đã có 60 trường (Bảng 1) [2].
Bảng 1. Số lượng các trường đại học ngoài công lập của Việt Nam từ năm 1994 đến năm 2017
Năm
|
1994
|
2000
|
2005
|
2010
|
2016
|
Số lượng trường đại học ngoài công lập
|
5
|
16
|
20
|
51
|
60
|
Tỷ lệ % trong tổng số các trường đại học
|
8.6
|
18.2
|
16.9
|
26.7
|
25.5
|
Đến hết năm học 2017 - 2018, số lượng trường đại học tư thục không thay đổi trong tổng số 236 trường đại học (không tính các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng), chiếm tỷ lệ gần 25.5% [3].
60 trường đại học tư thục của Việt Nam có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, miền Bắc có 23 trường, miền Trung – Tây nguyên có 12 trường và miền Nam có 25 trường, trong đó thành phố Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh có 12 trường [1].
Ngoài ra, ở Việt Nam có 05 trường đại học tư thục có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh thành gồm: Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (thành lập năm 2000, Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Anh quốc Việt Nam (2009, Thành phố Hà Nội), Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (2015, Tỉnh Hưng Yên), Đại học Mỹ tại Việt Nam (2015, Thành phố Đà Nẵng) và Đại học Fulbright Việt Nam (2016, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, thực hiện Luật Giáo dục đại học, mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bắt đầu được thành lập.
Quy mô sinh viên: các trường đại học tư thục chiếm trên 10% trong tổng số sinh viên bậc đại học của cả nước trong nhiều năm qua; năm học 2017 – 2018, cả nước có 1.707.025 sinh viên trong đó sinh viên các trường đại học tư thục là 267.530, chiếm tỷ lệ 15.67% (Bảng 2) [4].
Bảng 2. Số lượng sinh viên đại học từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2017 - 2018
Năm học
|
Số lượng sinh viên đại học
|
Tổng
|
đại học công lập
|
đại học tư thục
|
Tỷ lệ sinh viên đại học tư thục
|
2013-2014
|
1.670.023
|
1.493.354
|
176.669
|
10.58%
|
2014-2015
|
1.824.328
|
1.596.754
|
227.574
|
12.47%
|
2015-2016
|
1.753.174
|
1.520.807
|
232.367
|
13.25%
|
2016-2017
|
1.767.879
|
1.523.904
|
243.975
|
13.80%
|
2017-2018
|
1.707.025
|
1.439.495
|
267.530
|
15.67%
|
Một số trường đại học tư thục đã tuyển sinh được sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập cũng như trao đổi sinh viên quốc tế.
Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tư thục chiếm từ 12% trở lên trong tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm (Bảng 3) [4].
Bảng 3. Số lượng sinh viên tốt nghiệp từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2017 - 2018
Năm học
|
Số lượng sinh viên tốt nghiệp
|
Tổng
|
đại học công lập
|
đại học tư thục
|
Tỷ lệ sinh viên đại học tư thục
|
2013-2014
|
244.880
|
212.344
|
32.536
|
13.29%
|
2014-2015
|
353.936
|
302.617
|
51.319
|
14.50%
|
2015-2016
|
352.789
|
307.760
|
45.029
|
12.76%
|
2016-2017
|
306.179
|
268.947
|
37.232
|
12.16%
|
2017-2018
|
320.578
|
281.965
|
38.613
|
12.04%
|
Tổng cộng:
|
1.578.362
|
1.373.633
|
204.729
|
12.95%
|
Quy mô giảng viên: năm học 2017 – 2018, các trường đại học trong cả nước có 74.991 giảng viên trong đó có 15.759 giảng viên thuộc các trường đại học tư thục, chiếm tỷ lệ 21.01%, tăng so với các năm học trước đó (Bảng 4); giảng viên có trình độ từ tiến sĩ là 3195 trong tổng số 20.198 giảng viên trong các trường đại học, chiếm tỷ lệ 15.82% [4].
Bảng 4. Số lượng giảng viên trong các trường đại học từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2017 – 2018
Năm học
|
Số lượng giảng viên
|
Tổng
|
Đại học công lập
|
Đại học tư thục
|
Tỷ lệ sinh viên đại học tư thục
|
2013-2014
|
65.206
|
52.500
|
12.706
|
19.49%
|
2014-2015
|
65.664
|
52.689
|
12.975
|
19.76%
|
2015-2016
|
69.591
|
55.401
|
14.190
|
20.39%
|
2016-2017
|
72.792
|
57.634
|
15.158
|
20.82%
|
2017-2018
|
74.991
|
59.232
|
15.759
|
21.01%
|
Một số trường đại học tư thục đã tuyển dụng được đội ngũ giảng viên quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu.
Về đào tạo
Các trường đại học tư thục đào tạo nhiều ngành, kể cả các ngành đòi hỏi phải đầu tư lớn cả về nhân lực và tài chính như khối ngành khoa học sức khỏe.
Năm 2013, Trường Đại học Duy Tân trở thành trường đại học tư thục đầu tiên được phép đào tạo bậc tiến sĩ.
Về cơ bản, chất lượng đào tạo ở các trường đại học tư thục tương đối đáp ứng yêu cầu, trên 80% sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 1 năm và nhiều trường có số lượng sinh viên ra trường có việc làm lên đến 97% [2].
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này trong đó phải kể đến các điểm mạnh của các trường đại học tư thục như sự linh hoạt và nhạy bén trong phát triển, điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế và yêu cầu của thị trường lao động;
Hoạt động kết nối với doanh nghiệp được đẩy mạnh ở tất cả các trường; hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo bậc đại học và sau đại học đã được triển khai thành công ở một số trường đại học tư thục, tạo ra sự khác biệt so với các trường đại học công lập.
Về nghiên cứu khoa học:
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học tư thục được đánh giá ở mức khá [2].
Tuy nhiên, một số trường đại học tư thục trở thành điểm sáng trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong đó có Trường Đại học Duy Tân (công bố tổng cộng 840 công trình quốc tế trong tổng số 1.264 công trình nghiên cứu các loại trong năm học 2018 – 2019 [5];
Xếp thứ 4 trong 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trên Bảng Xếp hạng Nature Index 2019 [6]);
Trường Đại học FPT đạt nhiều thành tích ấn tượng tại Danh hiệu Sao Khuê kể từ năm 2011; Trường Đại học Lạc Hồng đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc tại cuộc thi Robocon khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; vv…
|
Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao thuộc Trường Đại học Duy Tân, tại số 03 Quang Trung, Thành phố Đà Nẵng |
Về cơ sở vật chất: theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở vật chất của các trường đại học tư thục hiện nay được đánh giá là tốt; nhiều trường đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trong đó có một số trường được xây dựng và đầu tư theo chuẩn quốc tế [2].
Đây được xem là điểm mạnh của các trường đại học tư thục cũng là ưu tiên của đa số các trường đại học tư thục nhằm thu hút người học và đội ngũ.
Về kiểm định chất lượng: nhiều trường đại học tư thục đã được đánh giá ngoài trong đó có 18 trường đại học tư thục trong tổng số 123 cơ sở giáo dục đại học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, có 07 chương trình đào tạo của 02 trường đại học tư thục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (theo dữ liệu cập nhật đến ngày 31/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo [7]).
Từ những số liệu căn bản trên đây có thể khẳng định rằng, sau 25 năm hình thành và phát triển, các trường đại học tư thục đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tiến trình hội nhập với giáo dục đại học quốc tế;
Tạo ra sự lựa chọn khác ngoài giáo dục đại học công lập qua đó đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân;
Cung cấp hàng trăm ngàn nhân lực có trình độ từ bậc đại học trở lên phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ tổ quốc qua đó chia sẻ đáng kể gánh nặng tài chính cho nhà nước;
Bảo đảm công ăn việc làm cho hàng vạn lao động; đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng (ví dụ, trong năm 2016 tổng nộp ngân sách nhà nước của chỉ 43 trường đại học tư thục đã đạt hơn 111 tỷ đồng [2]).
Nói cách khác, hệ thống đại học tư thục Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định vai trò không thể thiếu trong cung ứng giáo dục đại học.
Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam xuất phát từ những chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Đảng ta về phát triển giáo dục đại học nói chung, các trường đại học tư thục nói riêng;
Từ hành lang pháp lý vững chắc để phát triển hệ thống các trường đại học tư thục của Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học cho đến các chính sách hỗ trợ và biện pháp phát triển đại học tư thục của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan;
Đặc biệt là sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín đã sáng lập, xây dựng và phát triển các trường đại học tư thục cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên trong các trường đại học tư thục.
Đặc biệt, hiện các tập đoàn kinh tế có nguồn lực mạnh đã đầu tư vào hầu hết các trường đại học tư thục trong đó có cả những trường có những khó khăn trong tuyển sinh trong thời gian qua, một số trường đại học tư thục đã xác định mục tiêu trở thành một trong những đại học tốt nhất của khu vực hay thế giới, … cho thấy triển vọng và tiềm năng phát triển của hệ thống đại học tư thục Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù hệ thống các trường đại học tư thục Việt Nam nói chung, của một số trường nói riêng còn một số hạn chế và bất cập do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng có thể khẳng định rằng hệ thống đại học tư thục Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới và thực tiễn Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giai-phap-phat-trien-he-thong-cac-truong-dai-hoc-tu-thuc-viet-nam-post189878.gd
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập, Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Tài liệu Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018, Hà Nội.
[4] //www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke.aspx
[5] //thanhnien.vn/giao-duc/dai-hoc-duy-tan-840-cong-bo-quoc-te-trong-nam-hoc-2018-2019-1100491.html
[6]//tuoitre.vn/cac-dai-hoc-viet-nam-tren-bang-xep-hang-nature-index-2019-2019100114244387.htm
[7] //moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/Default.aspx?ItemID=6233