GD&TĐ - Sáng nay, (6/6), trường ĐH Duy Tân đã tổ chức hội thảo với chủ đề Giáo dục nhân văn trong giáo dục đại học với mục đích hướng tới xác lập các giá trị cốt lõi của việc giáo dục nhân văn trong thời hiện đại, đưa giáo dục nhân văn từ nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục và đào tạo bậc đại học.
Hôi thảo tập trung vào 3 chủ đề: Giáo dục nhân văn trong môi trường đại học, vì sao cần?; Tri thức nhân loại có vai trò gì, kinh nghiệm thế giới có thể gợi ý gì cho giáo dục nhân văn Việt Nam?; Giải pháp cụ thể nào cho giáo dục nhân văn ở đại học Việt Nam hiện nay?
Giáo giáo nhân văn trước hết cần đi từ sự kiến tạo đạo làm người ở Đại học là một giải pháp khá hợp lý của TS Trần Hải Yến (Viện Văn học), hay là sự tích hợp giá trị nhân văn thông qua kiến tạo văn hóa của TS Nguyễn Thành Nhân (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ngoài ra giáo dục nhân văn còn quan tâm cả khía cạnh nhân văn sinh thái như sự đề cập của PGS.TS Ngô Văn Giá (ĐH Văn hóa HN), TS Trần Thị Ánh Nguyệt (trường ĐH Duy Tân), Th.S Phan Thị Trà (ĐH Thủ Dầu Một).
Đặc biệt còn có cả những giải pháp rất cụ thể trong giáo dục nhân văn như giáo dục nhân cách nghề/ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên của PGS. TS Cao Thị Hảo (ĐHSP Thái Nguyên)/ TS. Lê Thanh Tú (ĐH Văn hóa HN)/ Th.S Phan Thị Kim và Lê Thị Diệu Mi (trường ĐH Duy Tân)…
TS Hoàng Thị Hường – Khoa Khoa học xã hội nhân văn, trường ĐH Duy Tân chia sẻ: “chúng tôi quan niệm “sản phẩm” của nhà trường là những người trẻ tuổi sẽ tham gia lâu dài vào nhiều hoạt động của xã hội, sẽ là chủ nhân của các gia đình nhỏ - nơi tạo ra và nuôi dưỡng các thế hệ tương lai tiếp theo. Nói cách khác, chúng tôi ý thức được rằng đó là một “sản phẩm” cần phải có và nên bao gồm cả tri thức, kỹ thuật và hiểu biết về cách sống để góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trường ĐH Duy Tân, và có lẽ cũng như nhiều cơ sở đào tạo khác, đang phải đối mặt với những đánh giá không vui của xã hội về lối sống, đạo đức của thế hệ trẻ, trong đó có những sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Đồng thời, ngay trong thực tế tiếp nhận, giảng dạy và quản lý sinh viên, chúng tôi cũng gặp phải vô số những khúc mắc trong hành xử của các em, những khó khăn trong việc giúp sinh viên nhận ra: đâu là nhân bản, đâu là các giá trị sống đích thực…”
Ban tổ chức đã chọn lọc được 48 bài viết để đưa vào thành kỷ yếu từ hơn 120 bài viết của gần 130 tác giả đang làm việc tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, và giáo dục trên cả nước.