Tin tức & sự kiện

Trường Đại học Duy Tân: Đột phá trong Nghiên cứu Khoa học

Thứ ba, 06/08/2019

Những năm gần đây, Trường Đại học (ĐH) Duy Tân - Đà Nẵng nổi lên là “điểm sáng” với nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, khẳng định thương hiệu đứng tốp đầu trường ĐH tại Việt Nam về công bố quốc tế.

 
Trường Đại học Duy Tân: Đột phá trong Nghiên cứu Khoa học
Phòng thí nghiệm hiện đại của ĐH Duy Tân
 
Thu hút nhân tài
 
TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, với chính sách đãi ngộ nhân tài, ĐH Duy Tân đã thu hút nhiều tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới ở các nước như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc, Bỉ, Nhật Bản,… về làm việc.
 
Sứ mệnh nhà trường hiện nay là đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có ý thức tham gia hoạt động cộng đồng. Cùng với đó, phải có sức khỏe, có năng lực, kỹ năng toàn diện; tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu. (Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Duy Tân)
 
Trường ĐH Duy Tân hiện có 1.180 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó 16,5% là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư và 75% là thạc sĩ đảm nhận công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH). Với uy tín của mình, các nhà nghiên cứu của ĐH Duy Tân đã xây dựng mạng lưới gồm đông đảo nhà khoa học đầu ngành trên khắp thế giới góp sức nâng cao chất lượng NCKH tại trường.
 
Các nhà khoa học của ĐH Duy Tân đang triển khai nhiều đề tài thuộc nhiều lĩnh vực như điện - điện tử, y sinh, dược liệu, vật lý, quang học, toán học, công nghệ sinh học… Nền tảng mới mẻ về nghiên cứu giúp ĐH Duy Tân tổ chức nhiều hội nghị trong nước và quốc tế về công nghệ thông tin (2013), điện tử - viễn thông (commantel 2013 và 2014, SigTelcom 2017), quang phổ, quang học… Ngày 16.11.2017 tại lễ trao Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2017 diễn ra tại Hà Nội, nhóm tác giả ĐH Duy Tân đã được vinh danh với “Ứng dụng 3D trong y học”. Dự án “Xã hội kết nối” nhằm duy trì hệ thống viễn thông trong điều kiện thiên tai của giảng viên ĐH Duy Tân hợp tác với ĐH Queen’s Belfast (Vương quốc Anh) giành Giải Newton Prize Việt Nam 2017.
 
Xây môi trường học thuật
 
Trường ĐH Duy Tân thực hiện đa dạng từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Để triển khai các hoạt động nghiên cứu, đầu năm 2014 nhà trường đã thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu và phát triển, tạo ra những đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo tại trường. Trường đã dày công xây dựng cả hệ thống NCKH  đồ sộ, bao gồm: Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản và ứng dụng tại quận 1 TP.Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản và ứng dụng tại Hà Nội; Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu; Viện Nghiên cứu & đào tạo y - sinh - dược; Trung tâm Công nghệ phần mềm (CSE); Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (CIT); Trung tâm Điện - điện tử (CEE); Xưởng phim Én bạc (Studio Silver SwallowS); Trung tâm Sáng tạo Microsoft (MIC),..
 
Bên cạnh thúc đẩy khối lượng nghiên cứu, ĐH Duy Tân cũng chú trọng đến chất lượng. Thông thường, chất lượng của một nghiên cứu có thể đánh giá trung gian qua Chỉ số ảnh hưởng (IF) và Chỉ số xếp hạng (Q1 - Q4) trong chuyên ngành của mỗi tạp chí quốc tế mà nghiên cứu đó được đăng. Năm học 2018 - 2019, ĐH Duy Tân có 11 công trình đăng trên tạp chí có Chỉ số IF > 50; 22 công trình có IF từ 10 - 50; 210 công trình có IF từ 3 - 10. Nổi bật nhất là những công trình đăng trên tạp chí danh tiếng như New England Journal of Medicine (IF 53.3), JAMA (IF 47.7), Advanced Energy Materials (IF 21.9), Reports on Progress in Physics (IF 14.3)… Các bài báo đăng ở tạp chí có Chỉ số xếp hạng Q1 đạt tỷ lệ 52,7% và Q2 đạt 35,5%.
 
Với nhiều điểm mạnh đáng ghi nhận trong hoạt động đào tạo và NCKH, ngày 20.2.2017, Trường ĐH Duy Tân là ĐH ngoài công lập đầu tiên đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam) cấp. Tháng 6.2017 Trường ĐH Duy Tân ký kết hợp tác với ĐH Keuka (Hoa Kỳ) triển khai chương trình Du học tại chỗ tại ĐH Duy Tân. Trong những năm đến, ĐH Duy Tân sẽ tiếp tục kiểm định ngành theo các chuẩn quốc gia và quốc tế; trường phấn đấu nằm trong tốp 300 trường ĐH của châu Á, theo xếp hạng của Time Higher Education.
 
Đến nay, hơn 94% sinh viên Trường ĐH Duy Tân có việc làm sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp; trong đó, gần 100% sinh viên ngành Công nghệ thông tin và Du lịch ra trường có việc làm ngay. Kết quả đó là minh chứng sinh động cho khẩu hiệu đồng hành của ĐH Duy Tân suốt 25 năm qua: “Tất cả vì quyền lợi học tập, nghiên cứu và việc làm của sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, khu vực và quốc tế”.
 
Tạo kỷ lục mới
 
Kết thúc niên khóa 2018 - 2019, niên khóa 24 trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường, ĐH Duy Tân đã công bố tổng cộng 840 công trình quốc tế trong tổng số 1.240 công trình nghiên cứu các loại. Tính trung bình, 806 giảng viên cơ hữu của ĐH Duy Tân mỗi người có hơn 1 công trình quốc tế/năm, tiệm cận các nước tiên tiến có nền khoa học phát triển về nghiên cứu cơ bản được quốc tế và trong nước đánh giá cao.
 
Nổi bật, trong 840 công bố quốc tế của ĐH Duy Tân niên học 2018 - 2019 có 90% là bài báo nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín được Viện Thông tin khoa học của Mỹ (ISI) và hệ thống Thư mục Khoa học Scopus của Hà Lan chọn lọc. Quan trọng hơn, ĐH Duy Tân tiếp tục khẳng định năng lực NCKH độc lập, khi có đến 60% công bố quốc tế là do các giảng viên và nhà nghiên cứu của nhà trường đứng ở vai trò tác giả chính, tác giả liên hệ.
 
Các nghiên cứu của ĐH Duy Tân trải khắp các nhóm lĩnh vực khác nhau, trong đó nhiều nhất là khoa học tự nhiên (315 bài; chiếm tỷ lệ 37,5%); tiếp đến là y - dược - điều dưỡng (141 bài; 16,8%), khoa học máy tính - điện - điện tử (16,8%); kỹ thuật xây dựng (12,5%); khoa học môi trường, công nghệ thực phẩm (6%); kinh tế, quản trị - du lịch - khoa học xã hội (6%); công nghệ sinh học (3%) và ít nhất là nông nghiệp (13 bài; chiếm 1,5%).
 
Đáng kể, tuy hiếm nhưng ĐH Duy Tân cũng bắt đầu có một số bằng sáng chế đăng ký thành công trong nước và trên thế giới. Điển hình trong năm học 2018 - 2019 có thể kể đến Bằng Sáng chế - Mã số RU2661210C1, có tên gọi “Method for obtaining the composite sorbent with magnetic properties” đã được Cơ quan Liên bang về Sở hữu Trí tuệ của Nga RUPTO cấp cho TS. Lê Văn Thuận (Trung tâm Hóa học tiên tiến thuộc ĐH Duy Tân) và các cộng sự. TS. Lê Văn Thuận cho biết, Bằng Sáng chế này đăng ký nộp năm 2017 và được cấp một năm sau đó. Bằng Sáng chế RU2661210C1 mô tả phương pháp sản xuất chất hấp thụ có từ tính hiệu suất cao, dùng trong lĩnh vực xử lý nước thải, sử dụng nguyên liệu là bã cà phê dạng bột. Việc ứng dụng sáng chế vào thực tiễn sẽ mang lợi ích kép: vừa xử lý được bã cà phê, vừa thu được chất hấp thụ cho xử lý nước thải công nghiệp với chi phí thấp nhất.
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/xa-hoi/giao-duc/201907/truong-dai-hoc-duy-tan-dot-pha-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-863550/#.XTAXJSbwumY.gmail)